11 Apr Có Nên Nặn Mụn Hay Không?
Nên hay không là câu hỏi gây ra khá nhiều tranh cãi trong ngành da liễu. Ở Việt Nam, nặn mụn là phương pháp phổ biến trong phác đồ điều trị mụn tại Clinic, Spa và thậm chí nhiều bạn còn tự “xử lý” tại nhà. Chúng mình cùng tìm câu trả lời thích hợp nhất cho câu hỏi “Có nên nặn mụn hay không?” nhé.
1. Nặn mụn là gì?
Mụn – tùy từng loại – mà khi hình thành trên da sẽ có phần nhân trắng hoặc vàng. Thậm chí có cả dịch, máu bầm và mủ nếu đã bị viêm. Đây chính là tế bào chết, bã nhờn và bụi bẩn bị mắc kẹt tại lỗ chân lông lâu ngày. Ngoài ra, còn là vi khuẩn, xác của các bạch cầu bị chết trong “cuộc chiến” chống lại các vi khuẩn gây hại khi vùng da có mụn bị viêm. Các nốt mụn khiến người bị mụn rất khó chịu, nhẹ thì “ngứa mắt”, nặng thì gây đau đớn. Vì vậy hầu hết ai cũng muốn loại bỏ chúng đi ngay lập tức bằng cách nặn mụn.
Đây là phương pháp loại bỏ mụn bằng lực tay cùng với các dụng cụ như que, bông tăm, kim, dao nhỏ rạch… Nặn mụn giúp loại bỏ nhân mụn ra khỏi lỗ chân lông, giảm sưng viêm, đem lại cảm giác “nhẹ mặt” cho người bị mụn.
2. Lợi ích và rủi ro mà bạn cần biết
Như tất cả các thủ thuật khác, nặn mụn đều có những lợi ích và rủi ro nhất định.
2.1. Lợi ích việc nặn mụn
Theo lý thuyết, nhân mụn có thể tự tiêu hoặc trồi lên, rơi ra khỏi bề mặt da. Nhưng trên thực tế điều này rất hạn hữu. Nhân mụn mắc kẹt lại lỗ chân lông lâu ngày dẫn đến mất thẩm mỹ, làm lỗ chân lông to, mụn chai, và luôn hiện hữu nguy cơ bị kích viêm. Điều này dẫn tới sẹo lõm, rỗ, tạo ra các bao xơ, hoặc viêm thông luồng nếu mụn viêm bị nhiễm khuẩn. Bởi vậy, lấy mụn đúng cách, đúng thời điểm giúp thông thoáng lỗ chân lông, việc điều trị mụn hiệu quả hơn và tránh được các nguy cơ gây sẹo, chai mụn…
2.2. Những rủi ro có thể gặp phải khi nặn mụn
Những người theo trường phái không ủng hộ nặn mụn lo ngại rằng việc tác động ngoại lực lên các nốt mụn sẽ làm tăng tổn thương da, do đó làm tăng nguy cơ để lại sẹo. Đặc biệt việc nặn mụn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bội nhiễm. Ngoài ra, sau khi nặn mụn, trên da có các vết thương hở khiến các sản phẩm skincare sau đó dễ thấm tới máu, kích thích viêm nhiễm.
Một vài lí do đặc biệt hơn nữa là trên gương mặt có một số điểm là các huyệt đạo. Và việc nặn mụn có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh dẫn đến các biến chứng trầm trọng.
3. Tác hại của việc tự ý nặn mụn tại nhà
Nặn mụn có nhiều lợi ích trong quá trình điều trị mụn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người tự ý nặn mụn tại nhà mà chưa hiểu rõ cũng như chưa có kinh nghiệm, dễ dẫn đến tình trạng nặng hơn.
- Khiến các vết thương bị viêm nhiễm nặng hơn. Do người bị mụn dùng tay bẩn để sờ, nặn lên các nốt mụn, nặn khi nhân mụn chưa chín hoặc chăm sóc vùng da sau mụn không đúng cách.
- Khiến vùng da bị mụn thâm lâu hơn. Tự ý nặn mụn, nặn mụn không đúng cách khiến nhân mụn không được lấy ra hết, các ổ viêm không được xử lý triệt để hoặc dùng lực quá mạnh khiến da bị tổn thương nhiều.
- Không đủ dụng cụ cần thiết khi tự thực hiện như que nặn mụn, đầu kim, tiệt trùng khiến việc nặn mụn khó thực hiện hơn và có thể gây tổn thương cho các vùng da lân cận.
4. Nặn mụn cần thiết áp dụng cho những loại mụn nào
Có nhiều dạng mụn: mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn, mụn nang… trong đó có những loại mụn không nên nặn như mụn nước, mụn không nhân. Tuy nhiên với hai dạng mụn sau thì việc nặn bỏ là rất cần thiết.
- Mụn đầu đen: Mụn đầu đen rất dễ để loại bỏ bằng phương pháp nặn mụn. Nếu để mụn đầu đen lâu ngày, chúng khiến cho lỗ chân lông ngày càng to, và có khả năng kích viêm.
- Mụn nang cứng/ bao xơ: Cần phải được thực hiện tại cơ sở da liễu để bóc tách, loại bỏ sớm để giảm thiểu được kích thước của sẹo.
5. Nên làm gì trước khi thực hiện nặn mụn
Trước khi tới Spa/ Clinic để nặn mụn, việc chăm sóc tại nhà cũng rất quan trọng. Chăm sóc tại nhà đúng cách giúp việc nặn mụn được nhẹ nhàng, ít đau và ít nguy cơ biến chứng hơn.
- Tuyệt đối không sờ tay bẩn lên các nốt mụn.
- Sư dụng sản phẩm chăm sóc da chứa các thành phần kháng viêm như BHA, Retinoids, Benzoyl Peroxide, Sulfur…. Những hoạt chất này thường có mặt trong các loại kem chấm mụn giúp các nốt mụn nhanh gom cồi, nhanh khô, giảm sưng đau và giúp dễ dàng lấy nhân mụn ra ngoài. Tuy nhiên cần lựa chọn thành phần, nồng độ và tần suất phù hợp bởi các thành phần như Retinoids hay Benzoyl Peroxide có thể gây khô da, làm nhân mụn có vẻ nằm sâu hơn vì vậy rất khó khăn khi nặn bỏ. Niacinamide hay Azelaic Acid thường là sự lựa chọn an toàn hơn khi cần kháng viêm, gom cồi mụn mà không khiến da bị khô hoặc khiến mụn bị chai.
- Duy trì độ ẩm cho da: Nhiều người lầm tưởng da mụn không cần dưỡng ẩm, điều này là sai lầm. Hãy lựa chọn những sản phẩm cấp ẩm có kết cấu nhẹ, không nhờn rít, ít gây bít tắc. Da đủ ẩm sẽ đỡ bị đau hơn rất nhiều khi nặn mụn và nhân mụn cũng dễ được loại bỏ hơn so với làn da khô.
6. Chăm sóc da sau nặn mụn
- Tuân theo hướng dẫn của cơ sở nơi thực hiện nặn mụn. Các cơ sở nặn mụn sẽ chỉ định chỉ làm sạch mặt bằng cách lau nước muối sinh lý, có thể có thêm Betadine sát khuẩn trong vòng 1-2 ngày đầu, tới khi các vết thương khô mài mới chăm sóc da như bình thường.
- Không sử dụng tẩy da chết dưới mọi hình thức khi mới nặn mụn về. Kĩ thuật viên có thể sử dụng dung dịch chứa BHA ngay sau nặn để giúp kháng viêm và gom cồi những nốt mụn còn sót nhân.
- Sử dụng sản phẩm chứa các thành phần Niacinamide, Panthenol, chiết xuất rau má, vitamin C. Đây là các thành phần giúp phục hồi da, kháng viêm, giảm thâm đỏ.
7. Vậy có nên nặn mụn hay không?
Nặn mụn hay không tùy thuộc vào lựa chọn của từng cá nhân và quan trọng hơn là tùy thuộc vào tình trạng mụn và loại mụn. Theo mình thì chúng ta nên loại bỏ nhân mụn. Vì cân nhắc giữa lợi – hại thì việc nặn mụn giúp giảm thiểu được những biến chứng như sẹo, viêm luồng, mụn bao xơ. Chúng mình hoàn toàn có thể giảm bớt các rủi ro của nặn mụn bằng cách chăm sóc da đúng cách và chỉ thực hiện nặn mụn tại các cơ sở da liễu uy tín với các kỹ thuật viên có tay nghề giỏi.
———–
Source: Da101
No Comments